Điều trị ung thư buồng trứng cách nào là tốt nhất?

Điều trị ung thư buồng trứng cách nào tốt nhất sẽ phụ thuộc vào việc bạn đang ở giai đoạn nào của căn bệnh. Dựa vào tình trạng bệnh, sức khỏe của mỗi cá nhân bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Có những phương pháp điều trị ung thư buồng trứng nào?

Điều trị ung thư buồng trứng có rất nhiều phương pháp. Có thể kết hợp nhiều phương pháp để mang lại hiệu quả cho một phác đồ điều trị.

   

Tùy vào giai đoạn và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về việc kết hợp các phương pháp thế nào cho hiệu quả.

1. Điều trị ung thư buồng trứng bằng phẫu thuật 

Để xác định được ung thư buồng trứng ở giai đoạn nào trước tiên cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để thăm dò. Phần khối u nhìn thấy sẽ được loại bỏ hoàn toàn để đảm bảo loại bỏ nhiều nhất có thể tế bào ung thư. Phần tử cung, ống dẫn trứng cũng được loại bỏ cùng lúc để phòng tránh di căn.

Có thể kết hợp việc điều trị hóa chất trước khi phẫu thuật. Sử dụng phương pháp hóa chất trước phẫu thuật có thể giúp cho quá trình phẫu thuật thuận lợi hơn khi các khối u được thu nhỏ lại. 

Sau phẫu thuật người bệnh vẫn tiếp tục được sử dụng hóa chất. Trong trường hợp này hóa chất đóng vai trò loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại đồng thời ngăn chặn sự di căn cũng như giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài sự sống cho người bệnh sau điều trị ung thư buồng trứng bằng phẫu thuật.

Mô tế bào ung thư sẽ được sử dụng để làm xét nghiệm để đánh giá giai đoạn cũng như phân loại ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn đầu (IA hoặc IB) chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Đối với các giai đoạn muộn phương pháp hóa chất trước và sau phẫu thuật sẽ được chỉ định. 

2. Điều trị ung thư buồng trứng bằng hóa chất

Phương pháp hóa chất hay còn gọi là hóa trị liệu có tác dụng tiêu diệt và làm chậm quá trình phát triển, di căn của tế bào ung thư. Cụ thể là hóa chất có khả năng can thiệp vào khả năng phân chia, nhân lên của các tế bào ung thư.

Thông thường các loại hóa chất được sử dụng trong điều trị ung thư buồng trứng là: taxan và platinum. Đây là 2 loại thuốc tiêu chuẩn trong điều trị cho người bệnh ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, các hóa chất này có ảnh hưởng tiêu cực lên các tế bào tủy xương và gây nên những phản ứng như rụng tóc, tiêu chảy, buồn nôn và nôn,.... đây được xem là những tác dụng phụ của hóa chất gây ra trong quá trình điều trị bằng hóa chất.

      

Hóa trị liệu trước phẫu thuật với mục tiêu làm giảm kích thước khối u để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Cách này được dùng trong trường hợp người bệnh ung thư ở giai đoạn di căn hoặc tình trạng sức khỏe không đảm bảo trước phẫu thuật. Sau phẫu thuật, hóa chất có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn sự di căn, phát triển của chúng, kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. 

Tùy vào tình trạng sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng thuốc khác nhau ở mỗi người, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định lượng thuốc phù hợp.

Người ta đưa ra những tiêu chí đánh giá hiệu quả của hóa trị như sau:

- Đáp ứng hoàn toàn: Các tổn thương hoàn toàn biến mất, không còn những dấu hiệu của bệnh. 

- Đáp ứng một phần: Bệnh vẫn còn tồn tại nhưng khối u được thu nhỏ lại một phần (>50% kích thước ban đầu). Các chỉ điểm sinh học có thể xuống thấp (nếu có). 

- Bệnh ổn định: Khối u không phát triển cũng không thu nhỏ. Chỉ điểm sinh học cũng được giữ nguyên (nếu có).

- Bệnh tiến triển: Khối u tăng kích thước hoặc tăng số lượng, di căn xa các bộ phận khác. Chỉ điểm sinh học tăng cao (nếu có).

 3. Điều trị ung thư buồng trứng bằng xạ trị

Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư nói chung và tế bào ung thư buồng trứng nói riêng. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ sử dụng phòng xạ ngoài hoặc phóng xạ trực tiếp trong ổ bụng.

Tia xạ cũng có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u tại chỗ cho người bệnh. Người bệnh có thể phải thực hiện 1 hoặc nhiều đợt xạ trị tùy theo tình trạng bệnh lý. Bên cạnh tác dụng điều trị và tiêu diệt tế bào ung thư người bệnh cũng gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn như: Buồn nôn và nôn; chán ăn; tiêu chảy; mệt mỏi,... Tác dụng phụ nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ.

Chăm sóc người bệnh sau điều trị ung thư buồng trứng 

Sau phẫu thuật hay hóa-xạ trị người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để sớm hồi phục sức khỏe. Người nhà cần chú ý đến những vấn đề như:

1. Chế độ dinh dưỡng

Chán ăn mệt mỏi, ăn vào nôn ra,... là tình trạng mà người bệnh sẽ gặp phải. Điều này khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức (nếu không chăm sóc đúng cách). Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh cần đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung đạm và vitamin đầy đủ. Lựa chọn những thực phẩm mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn.

Các bữa ăn cũng nên chia nhỏ để ăn trong ngày, không nên ăn quá no hay quá đói. Đa dạng cách chế biến để giúp người bệnh ngon miệng hơn, hấp dẫn vị giác hơn. Tuy nhiên, cần hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều muối cà chất béo hay thực phẩm, đồ uống có chất kích thích.

2. Chế độ sinh hoạt

Người bệnh cần phải được nghỉ ngơi để lấy lại sức. Chọn không gian thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh để giúp giấc ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái, tránh thức khuya hay stress.

Sau khoảng 1 tuần nên bắt đầu chế độ vận động để cơ thể khỏe khoắn cũng như tăng sức đề kháng tốt hơn. Đi lại nhẹ nhàng, dạo quanh khuôn viên nhà, vườn cũng là một cách tốt để người bệnh vận động.

Đặc biệt chú ý, cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian nhất định theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cho đến khi sức khỏe thật ổn định và tinh thần thoải mái mới có thể bắt đầu trở lại. những người mắc ung thư buồng trứng giai đoạn cuối thì tuyệt đối phải kiêng cữ.

3. Một số lưu ý khác

- Động viên tinh thần người bệnh: Ung thư là căn bệnh khiến nhiều người hoang mang về tính an toàn của nó với sức khỏe và tính mạng của mình. Do đó, người thân nên chú ý đến tâm trạng của người bệnh. thường xuyên động viên khích lệ và tạo niềm vui, động lực cho họ.

- Theo dõi tình trạng sức khỏe sau điều trị. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe người nhà cần đưa người bệnh đến thăm khám trở lại.

- Tái khám định kỳ: Dù là điều trị thành công hay duy trì bệnh thì tái khám định kỳ là việc bạn bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo sức khỏe của mình. Dựa vào tiến triển sức khỏe sau phẫu thuật ở các lần tái khám bác sĩ sẽ biết được hiệu quả điều trị đến đâu, đưa ra lời khuyên, cách xử lý kịp thời cho bạn trong những trường hợp xấu nhất có thể.

Điều trị ung thư buồng trứng hay chăm sóc, giảm nhẹ sau điều trị cũng đều cần được chú trọng. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, chỉ dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.

Bài viết liên quan

scrolltop